Close sidebar

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 1

Đối với những người mới đến với bóng đá, lỗi việt vị là gì có lẽ là một trong những vấn đề phức tạp và khó giải thích rõ ràng nhất. Nếu vẫn còn mơ hồ về luật này, hãy cùng Congdongfifa.com tìm hiểu thật chi tiết trong bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Lỗi việt vị là gì?

Lỗi việt vị là điều xuất hiện rất thường xuyên trong các trận bóng đá. Vậy thế nào là việt vị? Trước hết, cần phân biệt rõ việt vị và lỗi việt vị là khác nhau. Bởi một cầu thủ đứng ở vị trí việt vị nhưng chưa chắc đã phạm lỗi việt vị. Để hiểu việt vị trong bóng đá là gì, trước hết bạn cần nắm rõ những thông tin sau:

Việt vị

Việt vị tiếng Anh gọi là Offside, được quy định rất rõ và chi tiết trong luật bóng đá. Việt vị có nghĩa là gì? Một cầu thủ sẽ được coi là rơi vào vị trí việt vị nếu bất cứ bộ phận cơ thể nào của cầu thủ này (trừ bàn tay và cánh tay) nằm ở nửa sân của đối phương và gần với vạch cầu môn của đối phương hơn so với cả quả bóng và cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai của đối phương. Cầu thủ phòng ngự cuối cùng thường là thủ môn, nhưng đôi khi không phải (trong trường hợp thủ môn lên tham gia tấn công và chưa về kịp).

Một cầu thủ khi đứng ở vị trí việt vị sẽ không bị thổi phạt nếu không tham gia vào tình huống tấn công đó cùng với đồng đội. Cầu thủ này chỉ bị thổi phạt nếu có tham gia vào đường bóng tấn công đó, cản trở cầu thủ phòng ngự đối phương hoặc có được lợi thế khi đứng ở vị trí đó.

Các vị trí việt vị trên sân bóng

Vị trí việt vị luôn phải là vị trí bên nửa sân của đối phương. Sẽ không có chuyện một cầu thủ bị việt vị ở nửa sân nhà, dù đứng dưới tất cả cầu thủ đối phương.

Luật bóng đá quy định rõ rằng: Cầu thủ sẽ rơi vào vị trí việt vị nếu “ở gần vạch cầu môn đối phương hơn so với cả quả bóng và cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai của đối phương”.

Luật sửa đổi năm 2005 có giải thích rõ hơn rằng: Trong định nghĩa về vị trí việt vị, “ở gần vạch cầu môn đối phương hơn” có nghĩa là bất cứ phần nào của đầu, thân hay chân của cầu thủ đó ở gần vạch cầu môn đối phương hơn so với cả quả bóng và cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai của đối phương. Cánh tay không được tính trong định nghĩa này.

Đến năm 2017, luật về việt vị lại nói rõ thêm: “Bàn tay và cánh tay của tất cả các cầu thủ, bao gồm cả thủ môn, không được tính vào trường hợp việt vị”.

Nói cách khác, có hai tiêu chí khiến một cầu thủ rơi vào vị trí việt vị: bộ phận cơ thể nằm bên phần sân đối phương (không tính vạch giữa sân), và bộ phận cơ thể nằm ở vị trí như đã nói ở trên.

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 2Cầu thủ Ronaldo đứng trong khu vực đỏ đã rơi vào vị trí việt vị

Hiểu một cách đơn giản nhất, cầu thủ của đội tấn công sẽ bị thổi phạt việt vị khi cầu thủ này phạm lỗi ở vị trí việt vị. Lúc này, tình huống bóng đó được tính là kết thúc, nếu cầu thủ tấn công có ghi bàn cũng không được công nhận. Đội phòng ngự sẽ được hưởng một quả phạt gián tiếp tại vị trí việt vị.

Nói tóm lại, một cầu thủ sẽ bị thổi phạt lỗi việt vị nếu như hội đủ hai tiêu chí: rơi vào vị trí việt vị và có các hành vi được liệt kê trong phần “Quy định về trường hợp phạm lỗi việt vị” có nhắc tới ở phần dưới của bài viết.

Tìm hiểu Luật việt vị và những thay đổi mới nhất

Cũng giống như nhiều điều luật khác trong bóng đá, luật việt vị cũng đã trải qua nhiều thay đổi kể từ khi ra đời. Hãy cùng xem thử tại thời điểm mới được nghĩ ra, luật việt vị có gì khác so với hiện nay.

Luật việt vị ra đời năm nào?

Luật việt vị đã có từ rất lâu đời, và được áp dụng trong các trận đấu bóng đá tại các trường học ở Anh vào đầu thế kỷ 19. Tùy vào quy định của mỗi trường học mà luật việt vị lại khác nhau. Nhưng nói chung, luật việt vị thuở sơ khai nghiêm ngặt hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.

Theo luật của một số trường, cầu thủ chỉ cần chạy trước bóng là đã phạm lỗi việt vị rồi. Điều này tương tự với luật của môn bóng bầu dục hiện nay, khi cầu thủ sẽ bị thổi phạt việt vị nếu đứng giữa bóng và khung thành đối phương.

Khi Luật Cambridge được ra đời vào năm 1848, quy định về việt vị được cho là cũng có trong đó. Một bộ luật có từ năm 1856 được tìm thấy trong thư viện của Trường Shrewsbury có lẽ đã mô phỏng lại chặt chẽ theo Luật Cambridge và được cho là bộ luật lâu đời nhất còn tồn tại.

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 3Cầu thủ khoanh đỏ đang đứng ở vị trí việt vị

Quy tắc số 9 đòi hỏi phải có nhiều hơn 3 cầu thủ phòng ngự ở phía trước cầu thủ tấn công đang chơi bóng. Quy tắc này nêu rõ như sau:

“Nếu bóng từ phía sân nhà chuyền qua một cầu thủ, cầu thủ đó không được chạm vào bóng cho đến khi bên đối phương chạm vào bóng, trừ khi có nhiều hơn 3 cầu thủ đối phương đứng trước mặt cầu thủ này. Không cầu thủ nào được đứng giữa quả bóng và khung thành của đối phương”.

Khi Luật bóng đá lần đầu được soạn thảo vào năm 1863, quy định về việt vị không cho phép cầu thủ được chạm bóng khi nhận bất kỳ đường chuyền nào từ đồng đội ở phía sau lên, ngoại trừ những cú phát bóng từ vạch cầu môn lên. Quy tắc này nêu rõ như sau:

“Khi một cầu thủ đá vào bóng, bất kỳ người đồng đội nào của cầu thủ đó ở gần vạch cầu môn của đối phương đều không được chạm bóng, cũng như không được ngăn cản bất kỳ cầu thủ nào khác chạm bóng, cho tới khi đối phương đã chạm bóng. Tuy nhiên, bất cứ cầu thủ nào cũng có thể chạm bóng nếu bóng được phát từ vạch cầu môn sân nhà lên”.

Khi bóng đá phát triển hơn vào những năm 1860 và 1870, luật việt vị đã trở thành chủ đề tranh cãi lớn nhất giữa các câu lạc bộ. Quy tắc việt vị mới đã được quy định trong Luật bóng đá năm 1866 và được áp dụng rộng rãi. “Nhiều hơn 3 cầu thủ đối phương” đã được sửa thành “ít nhất 3 cầu thủ đối phương”.

Vào năm 1924, khái niệm việt vị thụ động đã được đưa ra.

Năm 1925, luật việt vị lại thay đổi thành “2 cầu thủ đối phương”, và ngay lập tức dẫn đến sự gia tăng số lượng các bàn thắng trong các trận đấu. Trong mùa giải 1924-1925, đã có 4.700 bàn thắng được ghi trong tổng cộng 1.848 trận đấu. Cùng với số trận đấu đó, nhưng ở mùa giải 1925-1926, số bàn thắng đã tăng lên tới 6.373 bàn.

Vào năm 1990, luật việt vị được điều chỉnh thành: Cầu thủ tấn công sẽ không rơi vào vị trí việt vị nếu đứng ngang bằng với cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai của đối phương. Thay đổi này đã khiến luật có lợi hơn cho bóng đá tấn công, và giúp các trận đấu trở nên trơn tru hơn.

Luật này được đề ra nhằm hạn chế khả năng giành lợi thế của cầu thủ đội tấn công bằng việc đứng sẵn ở trên đợi bóng chuyền lên, trong trường hợp ở giữa cầu thủ này và khung thành chỉ có thủ môn hoặc cầu thủ phòng ngự cuối cùng của bên đối phương.

Bài viết xem thêm: 

Quy định về trường hợp phạm lỗi việt vị

Một cầu thủ rơi vào vị trí việt vị tại thời điểm đồng đội chuyền bóng hoặc chạm bóng gần nhất sẽ không bị thổi phạt việt vị nếu cầu thủ đó không phạm lỗi việt vị. Nếu cầu thủ đó thực hiện những hành vi dưới đây thì sẽ được coi là phạm lỗi việt vị:

  • Tham gia vào tình huống bóng đó: Chơi bóng hoặc chạm vào bóng do đồng đội chuyền hoặc chạm vào trước đó.
  • Cản trở cầu thủ đối phương: Ngăn cản đối phương chơi bóng bằng cách chắn tầm nhìn, cướp bóng. Có hành vi cố gắng chơi bóng gây tác động đến đối phương hoặc có hành vi gây ảnh hưởng đến khả năng chơi bóng của đối phương.
  • Chiếm lợi thế bằng cách chơi bóng hoặc cản trở cầu thủ đối phương trong trường hợp bóng nảy ra hoặc đập vào xà ngang, cột dọc, người trọng tài hay cầu thủ khác bật ra hay đối phương đang cứu bóng.

Một cầu thủ sẽ không phạm lỗi việt vị nếu nhận bóng trực tiếp từ quả phát bóng lên, quả phạt góc hoặc quả ném biên. Nếu ngay trước đó bóng từ đối phương tới thì cũng không bị coi là phạm lỗi việt vị (trừ trường hợp đối phương cố cứu bóng).

Trong trường hợp kể trên, luật bóng đá quy định rõ: “Cứu bóng” là khi một cầu thủ chặn, hoặc cố gắng chặn quả bóng đang bay rất gần vào khung thành đội mình bằng bất cứ bộ phận nào của cơ thể, ngoại trừ bàn tay và cánh tay (trừ khi đó là thủ môn đang đứng bên trong vòng cấm địa).

Một cầu thủ sẽ phạm lỗi việt vị nếu nhận bóng trực tiếp từ một quả phạt trực tiếp, một quả phạt gián tiếp, hoặc tình huống trọng tài tung bóng.

Vì thời điểm xác định lỗi việt vị được tính khi cầu thủ đồng đội chuyền hoặc chạm bóng ngay trước đó nên sẽ có trường hợp cầu thủ tấn công không phạm lỗi việt vị, dù đã đứng giữa vạch cầu môn đối phương và cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai của đối phương (hay thậm chí là cả cầu thủ phòng ngự cuối cùng). Trường hợp này là khi đồng đội chuyền hoặc chạm bóng, cầu thủ này không đứng ở vị trí việt vị, nhưng sau đó mới chạy vượt xuống để nhận bóng.

Video giải thích cụ thể và ví dụ những trường hợp việt vị/không việt vị

Cách phát hiện lỗi việt vị khi thi đấu

Việc theo dõi và phát hiện lỗi việt vị rất khó đối với trọng tài chính vì vị trí của trọng tài chính luôn phải di chuyển bên trong sân. Chính vì vậy, công việc này dựa rất nhiều vào hai trọng tài biên.

Các trọng tài biên sẽ luôn phải chạy dọc theo hai biên để theo kịp các tình huống tấn công, đồng thời quan sát vị trí của bóng, cầu thủ tấn công và cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai. Khi xác định được cần phải thổi phạt việt vị, trọng tài biên sẽ ra ký hiệu để báo cho trọng tài chính.

Trọng tài biên sẽ ra hiệu báo đã việt vị bằng cách giơ cờ thẳng lên cao. Khi trọng tài chính đã thổi phạt và cho dừng trận đấu, trọng tài biên sẽ hạ cờ xuống theo một góc độ nhất định, nhằm thông báo về vị trí xảy ra lỗi việt vị.

  • Lá cờ chỉ xuống dưới một góc 45 độ: lỗi việt vị xảy ra ở 1/3 sân gần vị trí của trọng tài biên.
  • Lá cờ song song với mặt sân: lỗi việt vị xảy ra ở 1/3 sân chính giữa.
  • Lá cờ chỉ lên trên một góc 45 độ: lỗi việt vị xảy ra ở 1/3 sân xa vị trí của trọng tài biên.

Thổi việt vị sai là điều không hiếm trong bóng đá, khi nhiệm vụ của các trọng tài biên là hết sức khó khăn. Trong bóng đá hiện đại, các tình huống tấn công và phản công diễn ra rất nhanh và liên tục. Thể lực của con người chỉ có hạn nên việc trọng tài biên không theo kịp pha bóng là không hề hiếm xảy ra. Nếu không thể theo kịp và chạy ngang hàng với tình huống, việc nhìn chéo góc dẫn đến nhận định sai là đương nhiên.

Khán giả chúng ta cũng thường hay chỉ trích trọng tài trong những tình huống nhận định sai lỗi việt vị như vậy, nhưng nếu hiểu rõ về luật này thì có thể thấy được rất nhiều điểm khó khăn.

Có quá nhiều yếu tố liên quan đến việc nhận định thổi phạt việt vị: vị trí của bóng, của cầu thủ tấn công, của cầu thủ phòng ngự cuối cùng thứ hai, ngoài ra còn phải đánh giá những vị trí trên đúng tại thời điểm cầu thủ đồng đội chuyền hoặc chạm bóng. Với diễn biến nhanh của trận đấu, chỉ một giây là vị trí giữa các cầu thủ đã hoàn toàn khác. Chính vì vậy, ngay cả máy móc cũng không thể phát hiện để đưa ra quyết định kịp thời chứ đừng nói là con người.

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 4Trọng tài biên căng cờ báo hiệu việt vị

Hiện nay, công nghệ VAR đã được triển khai để hỗ trợ thêm cho quyết định của trọng tài, tuy nhiên lại không áp dụng cho mọi tình huống việt vị trên sân. VAR chỉ xem xét lại những tình huống có bàn thắng để xác định xem có công nhận hay không. Và nếu xác định được một tình huống có lỗi việt vị, bàn thắng sẽ không được công nhận.

Quy định về xử phạt khi phạm lỗi việt vị

Tuy việt vị thường được chúng ta nói là phạm lỗi nhưng thực chất đây không phải lỗi hay hành vi vi phạm được quy định trong Luật 12 để bị xử phạt. Cầu thủ tấn công sẽ không phải nhận án phạt nào cả (trừ khi phản ứng với trọng tài hay cố tình đá bóng khi trọng tài đã cho dừng trận đấu).

Cũng giống như đối với các lỗi khác, trận đấu sẽ được dừng lại. Những gì diễn ra ngay sau khi phạm lỗi mà lúc đó trọng tài chưa kịp dừng trận đấu đều sẽ không được tính. Nếu ghi bàn thì bàn thắng cũng không được công nhận.

Sau khi dừng trận đấu, đội phòng ngự sẽ được hưởng một quả đá phạt gián tiếp tại vị trí việt vị.

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 5Đội phòng ngự sẽ được hưởng một quả phạt gián tiếp

Lỗi duy nhất liên quan đến việt vị sẽ bị phạt cảnh cáo là khi cầu thủ hai bên lợi dụng tình huống để đánh lừa đối phương. Đó là trường hợp hậu vệ cố ý rời khỏi sân để lừa tiền đạo đối phương rơi vào thế việt vị, hoặc cầu thủ tiền đạo đang tạm phải ra bên ngoài sân lại chạy vào để chiếm lợi thế. Trong cả hai trường hợp này, cầu thủ sẽ bị cảnh cáo vì lỗi hành vi.

Luật việt vị mới của FIFA

Luật việt vị đã được FIFA sửa đổi nhiều lần để làm rõ thêm các chi tiết liên quan đến vị trí và trường hợp phạm lỗi việt vị như đã nói ở những phần trên.

Để bổ sung thêm cho những tiêu chí ở trên, Luật bóng đá sửa đổi năm 2017-2018 đã giải thích rõ hơn về vấn đề phạm lỗi việt vị.

“Trong trường hợp một cầu thủ di chuyển vào hoặc đứng tại vị trí việt vị trong hướng di chuyển của đối phương và cản trở chuyển động của đối phương hướng tới bóng thì cầu thủ này sẽ phạm lỗi việt vị nếu gây ảnh hưởng tới khả năng lấy bóng hoặc tranh chấp bóng của đối phương”.

Cách bẫy việt vị tinh vi trong bóng đá

Bẫy việt vị đã được ra đời để tận dụng triệt để luật này, trở thành một chiến thuật phòng ngự để ép đối phương rơi vào vị trí việt vị. Đi tiên phong cho chiến thuật này là câu lạc bộ Arsenal vào đầu thế kỷ 20, sau đó được huấn luyện viên người Argentina Osvaldo Zubeldía kế thừa.

Cách hoạt động của bẫy việt vị cũng hết sức đơn giản. Ngay trước khi một cầu thủ của đối phương chuyền bóng hay chọc khe xuống, các cầu thủ hậu vệ của đội phòng ngự sẽ di chuyển thật nhanh lên phía trên, đưa các cầu thủ tấn công của đối phương vào vị trí việt vị.

Việc thực hiện bẫy việt vị đòi hỏi phải tính toán thời gian cực kỳ chính xác và tiềm ẩn rủi ro rất cao. Nếu hậu vệ cuối cùng dâng lên mà bẫy việt vị hỏng thì sẽ khiến cầu thủ tấn công của đối phương có cơ hội thoải mái đối mặt với thủ môn.

Thay đổi về luật liên quan đến việc cầu thủ không tham gia vào tình huống bóng thì không việt vị càng khiến cho rủi ro của bẫy việt vị tăng cao hơn. Cầu thủ tấn công khi nhận ra mình đã rơi vào vị trí việt vị chỉ cần không tham gia vào tình huống bóng đó bằng cách đứng yên hoặc lững thững bước về hướng khác, để đồng đội băng lên tiếp tục pha bóng.

Việt vị trong bóng đá và luật việt vị mới của hội đồng FIFA 6Các hậu vệ sẽ ngay lập tức dâng thật nhanh lên trên để bẫy việt vị

Ví dụ nổi tiếng về việc áp dụng chiến thuật này trong lịch sử bóng đá là huấn luyện viên Arrigo Sacchi. Ông sử dụng một tuyến phòng ngự dâng rất cao cho đội bóng mình dẫn dắt, với khoảng cách không bao giờ quá 25-30 m so với tuyến tiền vệ, và thường xuyên giăng bẫy việt vị.

Khi dẫn dắt AC Milan, ông đã áp dụng triết lý thiên về tấn công mang tên pressing tầm cao và vô cùng thành công. Đó là đội hình 4-4-2, với lối chơi tấn công nhanh, hấp dẫn dựa trên nền tảng kiểm soát bóng, sử dụng hàng phòng ngự dâng cao với chiến thuật kèm người khu vực và bẫy việt vị. Mặc dù rất khác biệt với những hệ thống trước đó của bóng đá Ý truyền thống nhưng lối chơi này vẫn duy trì được nền tảng phòng ngự rất vững chắc.

Cách chạy chỗ phá bẫy việt vị hiệu quả

Khi giăng bẫy việt vị, thường thì các cầu thủ hậu vệ sẽ không đứng quá sát khung thành mà sẽ đứng trên vị trí của tiền đạo đối phương một chút. Nắm được điều này, cầu thủ tấn công có thể di chuyển để phá bẫy việt vị, nhằm không bị thổi phạt việt vị khi nhận bóng.

Để có thể phá bẫy việt vị, cầu thủ tấn công phải luôn đứng trước hậu vệ đối phương so với đường biên ngang để không bị rơi vào vị trí việt vị khi đồng đội chuyền bóng. Khi hậu vệ đối phương di chuyển thì cầu thủ tấn công cũng phải di chuyển theo để đảm bảo vị trí, không cần quá nhiều mà chỉ cần đứng trước một chút. Khi đồng đội vừa chuyền bóng, cầu thủ tấn công phải ngay lập tức di chuyển thật nhanh vượt qua hậu vệ để nhận bóng.

Ngoài ra, còn một cách phá bẫy việt vị khác đã được nói ở trên. Cầu thủ tấn công khi nhận ra mình đã rơi vào vị trí việt vị sẽ không tham gia vào tình huống mà ra hiệu để các đồng đội tiếp tục chạy xuống lấy bóng.

Nói tóm lại, việc phá bẫy việt vị cần tới tốc độ cao, khả năng quan sát và di chuyển, chạy chỗ tốt, và trên hết là phải “cao tay” hơn hậu vệ đối phương.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn trả lời được câu hỏi lỗi việt vị là gì và những thông tin chi tiết nhất việt vị trong bóng đá, hy vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn khi theo dõi các trận đấu. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết trên Blog Bóng Đá của trang website Congdongfifa.com để làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình.

 

Bài Viết Bạn Cũng Nên Xem