Close sidebar

Maradona ghi bàn thắng bằng tay – “Bàn tay của Chúa”

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 1

Bàn tay của Chúa có lẽ là cụm từ không có gì xa lạ với người hâm mộ bóng đá, khi đây được đánh giá là một trong những bàn thắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử World Cup, dù đã đi qua được hơn 30 năm. Tạo nên hai điều “kỳ diệu” theo nghĩa trái ngược chỉ trong ít phút của một trận đấu, tới giờ nhiều người vẫn không biết nên coi Diego Maradona là người hùng hay kẻ phản diện. Hãy cùng tìm hiểu về bàn thắng nổi tiếng trong bóng đá này!

Nội dung chính

Bàn tay của Chúa là gì?

“Bàn tay của Chúa” (The Hand of God) là cụm từ được huyền thoại bóng đá người Argentina Diego Maradona sử dụng để mô tả bàn thắng mà ông ghi được trong trận đấu Tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh. Bàn thắng diễn ra vào ngày 22 tháng 6 năm 1986, tại sân vận động Azteca ở Mexico City. Theo luật bóng đá, đáng lẽ Maradona phải nhận thẻ vì chơi bóng bằng tay và bàn thắng sẽ không được công nhận.

Tuy nhiên, do các trọng tài không có tầm quan sát rõ ràng về pha bóng này và công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) khi đó cũng chưa tồn tại nên bàn thắng đã được công nhận, giúp Argentina dẫn trước 1-0. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 cho Argentina, nhờ pha làm bàn thứ hai của Maradona, bàn thắng được mệnh danh là “Bàn thắng của thế kỷ”. Sau trận đấu, Diego Maradona đã tuyên bố rằng bàn thắng được ghi “một chút bằng đầu và một chút bằng bàn tay của Chúa”.

>> Đừng bỏ qua Top Nhà Cái Cá Cược Uy Tín Nhất hiện nay <<

Maradona ghi bàn bằng tay như thế nào?

Ngày 22 tháng 6 năm 1986, Anh và Argentina bước vào trận Tứ kết World Cup tại sân vận động Azteca. Trước đó, đội tuyển Anh đã xếp thứ hai trong bảng đấu của mình, rồi đánh bại Paraguay ở vòng 16 đội để giành quyền vào Tứ kết. Trong khi đó, Argentina dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Diego Maradona đã bất bại trong vòng bảng và loại Uruguay ở vòng 16 đội để đối mặt với đối tuyển Anh. Hai đội đã trở thành kình địch với nhau trong bóng đá, và chỉ 4 năm trước, về mặt chính trị, hai quốc gia này đã nảy sinh chiến tranh vì Quần đảo Falkland. Chính điều này đã dự báo trước cho một trận đấu hết sức căng thẳng.

Maradona được xếp chơi ngay phía sau Jorge Valdano trong đội hình 3-5-1-1 của Argentina, trong khi đó, đội tuyển Anh chơi theo sơ đồ 4-4-2 với Steve Hodge và Trevor Steven chơi ở hai cánh hàng tiền vệ. Hiệp một đã trôi qua mà không có bàn thắng nào được ghi, mặc dù Peter Beardsley đã có cơ hội tốt để ghi bàn cho đội tuyển Anh, còn Argentina cầm bóng nhiều hơn và có nhiều cơ hội hơn. Sự vượt trội của đội tuyển đã được thể hiện ở ngay những phút đầu hiệp hai, với hai trong số những khoảnh khắc nổi tiếng nhất lịch sử World Cup, vì những lý do rất khác nhau.

“Bàn tay của Chúa” gây tranh cãi được khởi đầu từ những khoảnh khắc thiên tài của Maradona. Số 10 của đội tuyển Argentina đã vượt qua Glenn Hoddle rồi chen vào giữa hai cầu thủ Anh khác, sau đó tung ra một đường chuyền tới vị trí của Jorge Valdano rồi di chuyển vào vòng cấm địa. Valdano đã không thể không chế tốt được bóng, và Steve Hodge của đội tuyển Anh đã tung chân móc quả bóng bổng lên không trung, bay vào vòng cấm của đội mình. Thủ thành Peter Shilton, người cao hơn Maradona tới 20cm đã lao lên, nhưng Cậu bé vàng của bóng đá Argentina đã nhảy lên và vung tay đấm bóng vào lưới.

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 2

Diễn biến bàn thắng được mệnh danh là Bàn tay của Chúa Maradona

Không ai trong số các trọng tài phát hiện ra điều đó, và chỉ có các cầu thủ Anh ở gần đó bắt đầu khiếu nại với trọng tài Ali Bin Nasser. Bình luận viên người Anh, ông Barry Davies, tại thời điểm đó đã tự hỏi tại sao lại đòi thổi phạt việt vị khi bóng rõ ràng từ chân của Steve Hodge bay tới “đầu” của Maradona chứ không phải từ một cầu thủ Argentina nào. Ông Davies phát hiện ra rằng cánh tay của Maradona đã vung lên khi xem tình huống quay lại, nhưng vẫn còn nghi ngờ về những gì đã thực sự xảy ra vào thời điểm.

Maradona đã làm rất tốt việc “củng cố niềm tin” về bàn thắng này khi có hành động ăn mừng, dù mắt vẫn liếc về phía các trọng tài. Khi đó, trọng tài Bin Nasser đứng bên ngoài vòng cấm, gần với đường biên trái của Anh, nên có lẽ tầm nhìn bị cản một phần là do thủ thành Peter Shilton và đám đông cầu thủ. Tuy nhiên, trọng tài biên Bogdan Dotchev đứng ở phía đối diện thì có tầm quan sát không hề bị cản trở. Dù đã công nhận bàn thắng nhưng do các cầu thủ Anh phản đối quá quyết liệt nên ông Bin Nasser đã phải tham khảo ý kiến của ông Dotchev. Sau khi vị trọng tài biên này cũng xác nhận bàn thắng thì tỷ số đã là 1-0 cho Argentina, và Maradona cũng có thể ăn mừng thoải mái.

Dù chỉ 4 phút sau đó, Maradona đã ghi một bàn thắng xuất chúng để nâng tỷ số lên 2-0, nhưng “Bàn thắng của thế kỷ” cũng không thể nào che mờ được những tranh cãi xung quanh “Bàn tay của Chúa” này. Sau khi vượt qua đội tuyển Anh với tỷ số 2-1, Argentina tiếp tục đánh bại đội tuyển Bỉ với tỷ số 2-0 nhờ cú đúp của Maradona, sau đó vượt qua Tây Đức 3-2 ở trận Chung kết để giành cúp vàng thế giới, còn đội tuyển Anh phải chia tay giải đấu trong sự ấm ức và tức giận.

Người trong cuộc nói gì về Maradona và Bàn tay của Chúa?

Trận đấu đã kết thúc từ rất lâu nhưng dư âm mà nó để lại sau đó và cho tới nhiều năm về sau vẫn là rất đậm nét. Nhiều người trong cuộc, bao gồm cả chính bản thân Maradona đã lên tiếng về “Bàn tay của Chúa”, để chia sẻ quan điểm và tiết lộ những sự thật ít người biết tới.

Sau trận đấu, những đoạn băng quay lại trên truyền hình và hình ảnh đã xác định rõ ràng rằng Maradona ghi bàn bằng tay. Chính tác giả của bàn thắng này đã tự đặt cho nó một cái tên nổi tiếng, bằng cách nhận xét rằng ông đã ghi bàn “một chút bằng cái đầu của Maradona và một chút bằng bàn tay của Chúa”.

>> Huyền thoại Maradona? Các danh hiệu cao quý ông đã giành được trong suốt sự nghiệp <<

Ông còn nói thêm: “Tôi đã đứng đợi các đồng đội của mình chạy tới ôm, nhưng không ai chạy tới cả. Tôi đã nói với họ rằng: ‘Tới ôm tôi đi, nếu không thì trọng tài sẽ không công nhận bàn thắng đâu’.” Ban đầu, Maradona đã lo lắng rằng phản ứng lưỡng lự của đồng đội trước một pha phạm luật trắng trợn như vậy có thể dẫn đến việc bàn thắng “bằng đầu” của ông không được công nhận. “Checho (Sergio Batista) đã chạy đến và hỏi tôi ‘Anh đã dùng tay đấm bóng phải không? Anh đã dùng tay sao?'”, số 10 huyền thoại này viết trong cuốn ‘Touched by God’. “Và tôi đã trả lời: ‘Im đi và tiếp tục ăn mừng đi!’ Chúng tôi đã sợ rằng họ sẽ không công nhận bàn thắng, nhưng cuối cùng họ đã không làm vậy.”

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 3

Chính Maradona cho biết rằng ông không hề hối hận về hành vi của mình

Maradona vẫn luôn không hối hận về hành vi của mình, một phần cũng vì sự đối nghịch ngày hôm đó. Trận Tứ kết đó diễn ra chỉ bốn năm sau Chiến tranh Falklands, khi Argentina và Vương quốc Anh đã chiến đấu với nhau để giành hai lãnh thổ phụ thuộc của Anh ở Nam Đại Tây Dương. Dù ông đã khẳng định trước trận đấu rằng mọi thứ sẽ chỉ liên quan đến bóng đá, nhưng cả tiền đạo Jorge Valdano của Argentina và tiền đạo Gary Lineker của Anh sau đó đã thừa nhận rằng cầu thủ cả hai bên đều không thể bỏ qua bối cảnh chính trị cay đắng đó.

Sau này, trong bộ phim tài liệu năm 2019 của đạo diễn Asif Kapadia, Maradona đã liên kết sự kiện này với Chiến tranh Falklands bốn năm trước đó: “Chúng tôi, với tư cách là người Argentina, không biết quân đội dự định làm gì. Họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng trong thực tế, Anh đã thắng 20-0. Thật khó khăn. Điều này khiến cho có vẻ như chúng tôi sẽ lao vào một cuộc chiến khác. Tôi biết tôi đã ghi bàn bằng bàn tay của mình. Đó không phải là kế hoạch của tôi, nhưng hành động này xảy ra quá nhanh đến mức trọng tài biên cũng không thấy tôi đưa tay lên. Trọng tài đã nhìn tôi và nói: ‘Có bàn thắng’. Cảm giác thật tuyệt vời, giống như một sự trả thù mang tính biểu tượng đối với người Anh vậy.”

Maradona cũng tuyên bố rằng ông đã nói với các đồng đội của mình là không cảm thấy xấu hổ về bản chất lừa dối của “Bàn tay của Chúa”. Ông cho biết: “Những kẻ ăn cắp của một tên trộm thì xứng đáng được hưởng 100 năm tha thứ, và người Anh đã gây ra cho chúng tôi rất nhiều điều tồi tệ…”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Goal, cựu cầu thủ đội tuyển Anh John Barnes chia sẻ: “Trong thời đại của chúng tôi, các cầu thủ bóng đá không nhận được sự hỗ trợ mà mình cần. Vì vậy, vào thời đó có rất nhiều cầu thủ như Maradona, những người được coi là hơi điên rồ. Giờ đây, tôi nghĩ rằng với sự hỗ trợ và kỷ luật vốn có trong bóng đá hiện đại, sẽ không còn tồn tại những cầu thủ như vậy nữa.” Nếu như vậy, cũng sẽ không có những bàn thắng như “Bàn tay của Chúa” nữa.

Với công nghệ VAR như ở hiện tại, bàn thắng mở tỷ số của Maradona ở Tứ kết World Cup với Anh sẽ nhanh chóng không được công nhận. Có thể tại Sân vận động Azteca ở Mexico City vào ngày 22 tháng 6 năm 1986 đó cũng không có nhiều camera bằng một trận đấu ở mức trung bình ngày nay, nhưng rõ ràng nhiều người có mặt tại đó đã tận mắt chứng kiến Maradona sử dụng dùng tay để đưa bóng qua người thủ thành Peter Shilton và vào lưới. “Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy,” ông Barnes nói. “Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy khi ngồi trên băng ghế – các cầu thủ dự bị, huấn luyện viên, các thành viên ban huấn luyện – tất cả chúng tôi đều thấy rõ như ban ngày. Tất cả chúng tôi đều biết anh ấy đã dùng tay để ghi bàn, vì vậy chúng tôi không thể tin rằng trọng tài lại không nhìn thấy gì cả.”

Trọng tài chính Ali Bin Nasser và trọng tài biên Bogdan Dotchev thì không hề nhận trách nhiệm về mình mà lại đổ lỗi cho nhau. Nhiều năm sau đó, ông Bin Nasser nói rằng: “Tôi đã chờ đợi ông Dotchev cho tôi gợi ý về những gì chính xác đã xảy ra, nhưng anh ấy đã không hề ra hiệu là bóng chạm tay.

Nếu đã xem trận đấu đó thì các bạn có thể thấy ông Dochev đứng ở vị trí thuận lợi hơn. Tôi đã nghi ngờ, nhưng khi thấy trọng tài biên chạy về phía vòng tròn trung tâm, tôi đã công nhận bàn thắng vì bắt buộc phải tuân theo quy tắc của FIFA. Những chỉ dẫn mà FIFA đưa ra cho chúng tôi trước trận đấu là rất rõ ràng – nếu một đồng nghiệp ở vị trí quan sát thuận lợi hơn tôi thì tôi nên tôn trọng quan điểm của anh ấy.”

Ông Dotchev thì lại đùn đẩy trách nhiệm sang vị trọng tài chính: “Mặc dù ngay khi đó tôi đã cảm thấy ngay lập tức có điều gì đó bất thường, nhưng vào thời điểm đó, FIFA không cho phép các trợ lý trọng tài được thảo luận về các quyết định với trọng tài. Nếu khi đó FIFA chỉ định một trọng tài từ châu Âu phụ trách một trận đấu quan trọng như vậy thì bàn thắng đầu tiên của Maradona sẽ không được công nhận.”

Sau này, người vợ của trọng tài biên Dotchev đã tiết lộ sự thật rằng chính quyết định này đã hủy hoại cuộc đời của gia đình họ. Ông đã bị bạn bè xa lánh, mọi người ghẻ lạnh và phải sống ẩn dật, và sau này cũng từng giải thích rằng do bất đồng ngôn ngữ nên không thể giao tiếp với ông Bin Nasser và do vậy nên dù đã nhìn thấy phạm luật rõ ràng nhưng không thể thay đổi quyết định.

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 4

Sau này, Maradona đã gặp lại và cùng chụp ảnh với trọng tài chính trận đấu đó là ông Ali Bin Nasser

Huấn luyện viên đội tuyển Anh khi đó, ông Bobby Robson thì chắc chắn hơn về những gì mà ông đã nhìn thấy. “Tôi thấy quả bóng trên không trung và Maradona lao về phía nó,” ông Robson nói. “Shilton cũng đã lao về phía bóng, nhưng Maradona đã dùng tay để đưa bóng vào lưới. Chẳng ai mong đợi những quyết định như vậy có thể được đưa ra ở cấp độ World Cup cả.”

Hậu vệ của đội tuyển Argentina, Oscar Ruggeri thì đã có những chia sẻ hết sức thành thật: “Hãy thử tưởng tượng nếu là ngược lại xem. Vậy thì cho tới hôm nay chúng tôi sẽ vẫn đuổi theo trọng tài để phản đối! Tuy nhiên, một số người trong số những người có mặt tại đó, ví dụ như chúng tôi, có thể đã nghĩ rằng Diego đánh bại thủ môn bằng một cú đánh đầu.

Diego thậm chí còn nói với chúng tôi rằng đó là một cú đánh đầu! Cách anh ấy chạy đi ăn mừng thật đúng là thiên tài. Bản thân tôi và Tata (Jose Luis Brown) ở phần sân nhà thì không được phép ăn mừng bàn thắng ở đầu sân bên kia vì điều đó có nghĩa là phải chạy thật nhanh 80 mét sân ở độ cao và cái nóng kinh khủng. Tuy nhiên, Diego vẫn nói với các cầu thủ khác rằng: ‘Ăn mừng đi, ôm tôi đi!'”

Đối với người liên quan trực tiếp tới bàn thắng nhất là thủ thành Peter Shilton thì có lẽ ám ảnh về “bàn tay vàng Maradona” vẫn sẽ còn theo ông mãi. Ông thậm chí còn đã từ chối lời mời tham dự buổi ra mắt phim tài liệu về Maradona. Thủ thành này vẫn còn cay đắng về việc ông sẽ mãi mãi gắn liền với hành động gian lận đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá.

“Sau 30 năm chơi bóng đá, có một vài điều khiến tôi thực sự thấy tự hào”, Peter Shilton chia sẻ với tờ The Guardian. “Ba thành tựu quan trọng nhất đối với tôi là chơi nhiều trận bóng đá chuyên nghiệp nhất vì điều này cho thấy sự bền bỉ của tôi. Hai thành tựu còn lại là khoác áo đội tuyển Anh 125 lần và giữ sạch lưới nhiều trận bóng ở đấu trường quốc tế nhất (cùng với thủ thành Fabien Barthez của Pháp). Lẽ ra đó cũng có thể sẽ là kỷ lục của tôi nếu không có một ngài Maradona nào đó…”

“Tôi đã làm tất cả những gì có thể để ngăn pha đấm bóng đó, và bức ảnh nổi tiếng đã cho thấy tay tôi ở gần bóng hơn đầu anh ta. Chính vì vậy nên anh ta mới dùng tay để đấm bóng. Luôn có người nói với tôi rằng: ‘Ồ, anh ấy đã bật cao hơn anh’. Anh ta đã không hề bật cao hơn tôi. Anh ta đã lừa gạt. Vì vậy, việc tôi bị gắn liền với thời điểm đó…” Ông Shilton thậm chí còn lập luận rằng các cầu thủ của đội tuyển Anh vẫn đang trong tình trạng sốc nên Maradona mới có thể ghi bàn thắng thứ hai tuyệt vời của mình chỉ 3 phút sau đó, khi vượt qua gần như toàn bộ đội tuyển Anh sau khi giành quyền kiểm soát bóng ở phần sân nhà.

“Đó là điển hình cho những gì anh ta có thể làm, tuy nhiên, chúng tôi không ở trong trạng thái tinh thần tốt sau những gì đã xảy ra. Khi biết có người gian lận trong một trận đấu lớn như vậy, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu. Vì vậy, chúng tôi không thể điều chỉnh được khả năng phòng thủ của mình sau đó. Nhưng không thể cướp đi mọi thứ từ anh ta. Maradona đã làm những gì anh ta có khả năng làm.”

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 5

Thủ thành huyền thoại Peter Shilton vẫn chưa thể nuốt trôi được thất bại ấm ức năm đó

Cảm giác bực bội và thất vọng chắc chắn là không thể tránh khỏi đối với các cầu thủ đội tuyển Anh sau khi kết thúc trận đấu. Ba cầu thủ Terry Butcher, Gary Stevens và Kenny Sansom đã chạm mặt với Maradona khi họ cùng được triệu tập để xét nghiệp doping sau trận đấu. “Anh ta bước vào, và anh ta là người mà chúng tôi không hề muốn gặp”, ông Terry Butcher chia sẻ với tờ Daily Record sau này.

“Anh ta không nói tiếng Anh, còn tôi không nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng khi tôi hỏi anh ta rằng anh ta đã sử dụng đầu hay tay, anh ta đã chỉ tay vào đầu mình. Có lẽ là vì đó là một căn phòng nhỏ và anh ta sợ chúng tôi, vì có ba người Anh đang không vui vẻ chút nào! Có lẽ anh ta đã chọn phương án an toàn, nhưng điều đó càng làm tôi khó chịu hơn. Nếu anh ta bước tới và nói: ‘Tôi đã dùng tay và tôi xin lỗi’, thì có lẽ tôi chỉ đánh anh ta bốn hoặc năm lần chứ không phải là 20 lần như tôi muốn. Nhưng tôi sẽ sẵn sàng trả vài ngàn bảng để được có mặt trong căn phòng đó sau trận đấu một lần nữa. Hãy cứ để như vậy.”

Cầu thủ dự bị John Barnes của đội tuyển Anh trong trận đấu đó thì lại tỏ vẻ hòa nhã hơn với Maradona. “Tôi không trách Maradona,” ông nhấn mạnh. “Tôi trách trọng tài chính và các trợ lý trọng tài vì đã không quan sát được tình huống. Tôi không hề thù hằn gì Maradona cả. Anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Tôi đã theo dõi mọi thứ anh ấy làm. Tất nhiên là tôi đã theo dõi trận đấu và cổ vũ cho đội nhà rồi, nhưng tôi thậm chí còn xem anh ấy khởi động.

Chứng kiến cầu thủ xuất sắc nhất thế giới – có thể là người xuất sắc nhất từ ​​trước đến nay – khởi động thôi cũng đã là một sự hồi hộp. Và bàn thắng thứ hai của anh ấy thì không tệ, phải không? Anh ấy đã chạy được một nửa chiều dài của sân! Vì vậy, đó là điều đặc biệt cần phải xem. Ngoài ra thì đâu phải chúng ta chưa từng thấy những cầu thủ khác chơi bóng bằng tay. Chúng ta đều thấy những cầu thủ như Michael Owen và Paul Scholes cố gắng để có được bàn thắng theo cách đó. Chỉ là họ không thoát khỏi việc bị thổi phạt vì họ không thông minh như Maradona. Và trận Tứ kết đó đều là về Maradona.”

Những pha bóng được ví với Bàn tay của Chúa của Maradona

“Bàn tay của Chúa” đã trở thành một cụm từ nổi tiếng và vẫn còn được nhắc đến rất nhiều trong bóng đá hiện đại trên khắp thế giới. Dưới đây là một số pha chơi bóng bằng tay nổi tiếng khác khiến người ta liên tưởng đến bàn thắng nổi tiếng của Maradona.

Trong trận đấu vòng bảng của World Cup 1990 giữa Argentina và Liên Xô, cũng lại chính Maradona một lần nữa đã chơi bóng bằng tay. Trong hiệp một của trận đấu sau đó đã kết thúc với tỷ số hòa 0-0 này, một đợt tấn công của Liên Xô đã thất bại khi Maradona đã chặn cú sút bằng “bàn tay của Chúa” mà cũng không hề bị trọng tài phát hiện ra.

Trong những phút cuối cùng của trận lượt về vòng play-off World Cup 2010 giữa Ireland và Pháp, trung vệ William Gallas của Pháp đã ghi bàn thắng quyết định từ đường chuyền của Thierry Henry, giúp Pháp giành chiến thắng chung cuộc 2-1 và đủ điều kiện tham dự World Cup. Tranh cãi đã xảy ra ngay lập tức khi đoạn băng quay chậm cho thấy Henry đã chạm tay vào bóng nhiều lần trong giây lát để hãm bóng lại, rồi mới chuyền bóng cho Gallas.

Bất chấp sự phản đối từ phía Ireland, trọng tài người Thụy Điển Martin Hansson đã không thổi phạt Henry mà quyết định công nhận bàn thắng. Sau khi trận đấu kết thúc, các trang tin tức thể thao từ khắp nơi trên thế giới đã đặt cho Henry một số biệt danh, từ “Bàn tay mới của Chúa”, cho đến “Bàn tay ếch” (The Hand of Frog), cụm từ sử dụng từ “Frog” mang nghĩa xúc phạm đối với người Pháp.

Maradona ghi bàn thắng bằng tay - "Bàn tay của Chúa" 6

Pha dùng tay cản bóng nổi tiếng ở World Cup 2010 của Luis Suárez

Cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Uruguay là Luis Suárez đã từng dùng tay để ngăn chặn bàn thắng của cầu thủ Dominic Adiyiah của đội tuyển Ghana trong trận Tứ kết FIFA World Cup 2010. Mặc dù Suárez đã phải nhận thẻ đỏ và Uruguay phải chịu một quả penalty nhưng cuối cùng Asamoah Gyan của Ghana lại thực hiện không thành công, và cuối cùng Uruguay đã loại Ghana để đi tiếp. Trong cuộc họp báo sau đó, Súarez cho biết anh đã làm như vậy với “Bàn tay của Chúa”.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, tại bảng G của AFC Cup 2020, cầu thủ Joshua Grommen của Ceres-Negros F.C. đã ghi bàn thắng thứ hai trong trận đấu của họ trước Preah Khan Reach Svay Rieng FC bằng cách đưa bóng vào lưới bằng tay. Bất chấp sự phản đối từ đối phương, bàn thắng vẫn được công nhận khi các trọng tài không quan sát được tình huống chơi bóng bằng tay trắng trợn này.

Dù chỉ là kết quả của một hành vi cố ý chơi gian lận nhưng bàn tay của Chúa đã trở thành một phần của lịch sử bóng đá. Điều này đã tạo nên nhiều tranh cãi, biến Maradona trở thành “nửa thiên thần, nửa ác quỷ”, và khiến huyền thoại này được nhiều người yêu mến, nhưng cũng bị không ít người ghét. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Congdongfifa.com để có thêm được nhiều kiến thức về lịch sử bóng đá thế giới!

Bài Viết Bạn Cũng Nên Xem