Mai Thanh Minh được biết đến như là một huyền thoại bất tử của làng cờ TP HCM. Còn được gọi là Minh “rét” hay “độc cô cửu kiếm”, trong suốt sự nghiệp của mình ông đã để lại cho hậu thế những trận cờ kinh điển xứng đáng được lưu danh sử sách. Trong bài viết này, hãy cùng Congdongfifa tìm hiểu về sự nghiệp và thân thế của kỳ thủ huyền thoại này.

Nội dung chính

Thân thế của Mai Thanh Minh

Ông sinh ra và lớn lên tại Bà Chiểu, Sài Gòn vào năm 1957, trong một gia đình nghèo khó. Tuy nhiên, thân phụ của ông là Mai Văn Phú, lại là một người có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn cờ Tướng, cụ rất am tường các thế cờ được viết trong Mai Hoa Phổ, Quất Trung Bí.

Niềm đam mê của cha đã được truyền tới ông, Mai Thanh Minh khi chỉ mới 12 tuổi đã bộc lộ được năng khiếu thiên bẩm của mình trong bộ môn cờ Tướng,

Năm 1976, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong TP HCM, và trong quãng thời gian này ông đã bị căn bệnh sốt rét hành hạ. Vì căn bệnh, đã khiến da mặt của ông trắng nhợt, teo tóp lại trông rất khắc khổ. Kể từ đó, ông có biệt danh là Minh “rét”.

Trong quãng thời gian nằm trị bệnh ở Phú Nhuận, ông đã có một khoảng thời gian quý báu để nghiên cứu, trau dồi các thế cờ để tăng cờ lực cho bản thân. Chẳng mấy chốc, ông trở thành cờ thủ lừng danh nhất vùng, được rất nhiều người tìm đến khiêu chiến nhưng chẳng ai gây được khó dễ cho ông.

Sự nghiệp cờ tướng của Mai Thanh Minh

Mặc dù là một kỳ thủ hàng đầu nhưng ông vẫn rất khiêm nhường. Ông vẫn thường xuyên luyện tập, học hỏi và tìm tòi nhiều nước cờ khác nhau. Bởi vậy trong suốt 25 năm sự nghiệp, ông được coi là một trong những kỳ danh hàng đầu của làng cờ Việt Nam.

Bén duyên với cờ tướng

Trong khoảng những năm 80, ông tham gia nhiều những trận cờ không chính thức, đã đánh bại được rất nhiều cao thủ. Vào một lần tham gia giải cờ mừng Xuân, do phòng Phòng Thể dục Thể thao Phú Nhuận tổ chức, ông nằm trong 3 người đạt thứ hạng cao nhất tại giải đấu đó. Tại buổi trao giải, có một vị khách kỳ lạ đòi thách đấu đồng loạt với cả 3 người. Trận đấu diễn ra đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu cờ, kết quả là cả 2 bên đã thủ hòa.

Mai Thanh Minh
Độc cô cửu kiếm – Mai Thanh Minh

Sau trận đấu, Mai Thanh Minh đã nhận ra sự yếu kém của bản thân. Ông tiếp tục kiên trì luyện tập và sưu tầm được nhiều nước cờ hay để tăng chiến lực cho bản thân. Vì sự phong phú và biến hóa đa dạng trong lối đánh, ông đã được nhiều người yêu cờ ở TP HCM đặt cho biệt danh “ Độc cô cửu kiếm”.

Vào năm 1985 Khi ông vô địch giải cờ tướng Thành phố Hồ Chí Minh vào một cách thuyết phục khi đứng trên những kỳ thủ hàng đầu lúc bấy giờ là Trần Quới, Nguyễn Văn Xuân, và Lê Văn Bình. Kể từ đó, tên tuổi của ông bắt đầu vượt qua khỏi địa phận thành phố HCM.

Trở thành bá chủ cờ vua việt nam trong thập niên 90

Thập niên 90 là giai đoạn mà kỳ thủ Mai Thanh Minh đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.. Liên tiếp từ năm 1992 đến 1995, ông 4 lần vô địch giải vô địch quốc gia, đây là một thành tích mà chưa có kỳ thủ nào đạt được cho đến tận bây giờ

Ngoài ra, ông vô địch vào năm 1998, và đạt ngôi vị á quân vào năm 1997. Lần cuối cùng ông tham dự giải vô địch quốc gia là vào năm 2001, tại giải đấu đó ông đoạt Á quân.

Những năm tháng thi đấu quốc tế

Vào năm 1993, Mai Thanh Minh được điền tên vào thành phần đội tuyển cờ tướng Việt Nam lần đầu tham dự giải cờ tướng Thế Giới tổ chức tại Bắc Kinh. Cùng với ông, đội tuyển Việt Nam khi đó còn có: “Diệp Gia đại hổ” Diệp Khai Nguyên, “Đông Phương bất bại” Trần Văn Ninh và “Tuyệt Diệt Sư Thái” Lê Thị Hương.

Mai Thanh Minh
Mai Thanh Minh là một trong những kỳ thủ hàng đầu Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Tại giải đấu này, ông đã đoạt giải “Phi Hoa duệ”, và xếp hạng 6 trên bảng tổng sắp. Ông cầm hòa với những kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc lúc bấy giờ là Triệu Quốc Vinh và Từ Thiên Hồng. Với những thành tích trên, ông được phong cấp Quốc Tế đại sư vào cùng năm.

Vào năm 1994, ông cùng với Mông Nhi ,Trương Á Minh và Trần Văn Ninh dành được HCB tại giải đồng đội Châu Á tại Ma Cao. Năm 1997, ông tiếp tục đạt hạng nhất “Phi Hoa Duệ”, đứng vị trí thứ 4 chung cuộc tại giải cờ vua Thế Giới tại Hồng Kông.

Ông chính là kỳ thủ Việt nam đầu tiên giành được một thứ hạng cao tại đấu trường quốc tế, khi đứng hạng 3 giải “Phật Thừa Bôi” được tổ chức tại Hawaii (Mỹ). Lần cuối cùng ông tham dự một giải quốc tế là vào năm 2001, ông và người đồng đội Trịnh A Sáng đã dành được vị trí thứ 3 tại giải vô địch thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Ma Cau.

Trận thách đấu cuối cùng

Sau năm 2001, sức khỏe của ông ngày càng xuống dốc. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục tham gia các giải thách đấu để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Vào ngày 14 tháng 6 năm 2009, ông có trận thách đấu cuối cùng với Nguyễn Vũ Quân – người trẻ nhất đoạt được danh hiệu Đặc cấp Quốc tế đại sư. Trong trận trận đấu này, Nguyễn Vũ Quân với sức mạnh của tuổi trẻ đã tỏ ra quá hiếu thắng, nhưng với bậc kỳ thủ lão làng như Mai Thanh Minh đã dể dàng vô hiệu hóa những nước cờ tấn công như vũ bão của Quân. Kết quả là 2 bên đã thủ hòa trong một trận đấu kịch tính.

Ngày 11 tháng 4 năm 2010, ông qua đời do xuất huyết não, để lại nhiều giai thoại về một kỳ thủ quái kiệt đã tung hoành làng cờ Việt Nam và quốc tế trong 25 năm.

Thành tích

Trong 25 năm sự nghiệp cờ tướng của mình, Mai Thanh Minh đã đạt nhiều danh hiệu cao quý mà bất kỳ kỳ thủ nào cũng mong ước.

Những thành tích nổi bật của ông đạt được trong đấu trường quốc gia:

  • Ông từng 5 lần đạt giải Vô địch cờ tướng Quốc gia  các năm 1992, 1993, 1994, 1995, 1998.
  • Mai Thanh Minh đã 2 lần Á quân giải Vô địch cờ tướng Quốc gia các năm 1997, 2001.
  • Ông cũng một lần giành hạng 3 giải Vô địch cờ tướng Quốc gia vào năm 1999.
  • Ông từng 2 lần hạng xếp hạng 1 Phi Hoa Duệ (1993, 1997).

Trên đấu trường quốc tế, ông đã lập được các chiến công cho bộ môn cờ tướng ở Việt Nam:

  • Mai Thanh Minh đã 2 lần hạng 2 đồng đội châu Á (1994, 1998).
  • Ông cũng cùng đồng đội mình 2 lần hạng 3 đồng đội thế giới (1997, 2001).
  • Ông từng xếp hạng 3 Phật Thừa bôi (1999).

Những ván cờ nổi bật

Những ký ức mà Mai Thanh Minh để lại cho hậu thế không chỉ có danh hiệu, mà còn là những trận đánh kinh điển với những kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc. Tại mỗi trận đấu, ông thể hiện được hết những phẩm chất biến ảo, đa dạng trong mỗi nước cờ, xứng đáng với biệt danh “độc cô cửu kiếm”.

Đại chiến Hứa Ngân Xuyên

Mai Thanh Minh giành kết quả hòa trước Hứa Ngân Xuyên tại Giải Vô địch Đồng đội châu Á 1994.

Đây là ván cờ rất đáng tiếc cho Mai Thanh Minh khi ông thể hiện một thế trận áp đảo, dồn kỳ thủ Trung Quốc vào thế phòng thủ. Trong một số tình huống, “Độc cô cửu kiếm” có thể khiến họ Hứa gặp được nhiều khó khăn hơn nếu ông đi được những nước cờ táo bạo hơn…

Mai Thanh Minh vs Triệu Quốc Vinh

Mai Thanh Minh đối đầu với Triệu Quốc Vinh tại Giải Vô địch Đồng đội châu Á 1996, giành kết quả hòa.

Xuyên suốt trận đấu, hai bên tỏ ra cân tài cân sức, nhưng đã có lúc một số nước cờ sai của Triệu Quốc Vinh đã tạo cơ hội cho Mai Thanh Minh cơ hội lớn để phản công kết thúc trận đấu. Bằng bản lĩnh của kỳ thủ đã từng vô địch Trung Quốc, họ Triệu đã ngay lập tức thu hồi trận địa, phòng ngự vững vàng để kéo trận cờ về thế hòa…

Mai Thanh Minh đấu với Lữ Khâm 

Mai Thanh Minh giành chiến thắng trước Kỳ vương Lữ Khâm (Trung Quốc) tại Giải Vô địch Đồng đội châu Á 1994.

Đây là trận cờ thể hiện bản lĩnh của Mai Thanh Minh trước một tượng đài của làng cờ Trung Hoa – Lữ Khâm. Mặc dù kỳ thủ của Việt Nam khai cuộc không tốt, nhưng nhờ thế cờ “Mạnh Thiên Quá Hải” đã qua mặt được Lữ Khâm để đảo ngược được tình thế…

Trên đây là toàn bộ thông tin về kỳ thủ Mai Thanh Minh. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ có thêm cho mình những kiến thức bổ ích. Chúc các bạn có những giây phút thư giãn cùng Congdongfifa.